Người trẻ nói gì về tư tưởng “chỉ sống một lần trong đời”?

Nhiều người trẻ cho rằng tương lai còn dài, kiếm được bao nhiêu tiền thì nên tận hưởng.

by Mia Hien Pham
Nên tiết kiệm hay chỉ sống mốt lần trong đời

Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ Việt sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho việc mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ trung đến cao cấp. Họ đã phần nào bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính với tài khoản tiết kiệm gần như không có.

Chị Khổng Thị Diệu Linh (24 tuổi, nhân viên văn phòng Luật ở Hà Nội) cho rằng vừa làm việc, vừa hưởng thụ thì cuộc đời mới vui. Bởi, đời người chỉ có một lần.

Theo chị Linh, tiền mình kiếm ra thì thoải mái tiêu vì cuộc đời chỉ có một lần. Ảnh: Diệu Linh
Theo chị Linh, tiền mình kiếm ra thì thoải mái tiêu vì cuộc đời chỉ có một lần. Ảnh: Diệu Linh

Chị Linh chia sẻ sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm, nhu cầu chi tiêu bắt đầu tăng lên. Nguyên nhân do có nguồn thu nhập của chị Linh nhiều hơn thời đi học. “Theo quan điểm của tôi, nếu mình tiêu tiền cho nhu cầu của bản thân thì sẽ là động lực để kiếm nhiều tiền nhiều hơn”, chị này cho biết. Ra đường, nếu không trang điểm chị Linh sẽ có cảm giác không được tự tin. Vì vậy chị này mất một khoản tiền không nhỏ vào việc mua mỹ phẩm. Ngoài ra, do đặc thù công việc của chị Linh phải giao tiếp nhiều, số tiền chi cho quần áo hàng tháng cũng chiếm phần lớn.

Thu nhập mỗi tháng của chị Linh được 8 triệu đồng. Sau khi chi trả tiền nhà, phần còn lại chị Linh sẽ mua sắm, ăn uống thả ga mà không lo nghĩ. “Như một thói quen, cứ lương về là mình lại mua sắm. Đặt hàng xong lại tự trách bản thân sao không tiết kiệm tiền mà cứ chi hết vào những thứ tốn kém này”, chị Linh nói. Chị Linh sẽ tự an ủi bản thân “Mình còn trẻ, tiền hết rồi sẽ kiếm lại được thôi” sau mỗi lần chi một số tiền lớn mua quần áo hay mỹ phẩm.

Sau những chuỗi ngày vung tay quá độ chị Linh lại phải chật vật ăn uống kham khổ vào những ngày cuối tháng để bù lại khoản chi tiêu quá lớn trước đó. “Sau một năm đi làm tôi vẫn chưa tích góp được gì. Thứ duy nhất tôi tích góp được đó là nợ thẻ tín dụng”, chị Linh hài hước chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu (25 tuổi, nhân viên kế toán ở Thanh Hoá) thu nhập hàng tháng chỉ vỏn vẹn 7.800.000 đồng nhưng ngày nào cũng uống trà sữa, nước ép hoa quả.

Chị Thu là nhân viên văn phòng, nên hễ có thời gian rảnh rỗi chị Thu lại “dạo quanh” sàn thương mại điện tử để xem hàng. Vì vậy, có tuần ngày nào chị Thu cũng có đơn hàng được giao tới. Chị Thu chia sẻ: “Là con gái nên tôi mua rất nhiều quần áo, giày dép. Có nhiều đồ tôi còn chưa mặc đến. Nhưng cứ hễ thấy bộ quần áo nào đẹp tôi sẽ “xuống tiền” mua ngay mà không cần suy nghĩ”.

Ngày nào chị Thu và đồng nghiệp cũng mua trái cây, trà sữa. “Tiền trà sữa của tôi một tháng chắc cũng phải cả triệu bạc. Không tính toán thì thôi, nói tới lại làm tôi nhức đầu và cảm thấy hối hận vô cùng”, chị Thu than vãn.

Chị Thu sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng cho một lần mua sắm. Ảnh: Thu Nguyễn
Chị Thu sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng cho một lần mua sắm. Ảnh: Thu Nguyễn

Chị Thu tâm sự tháng 12 năm ngoái chị lỡ làm hỏng điện thoại. Vì không có khoản tiền tiết kiệm nên chị Thu phải mua điện thoại trả góp. Chị Thu tâm sự: “Tôi sẵn sàng dành những khoản tiền để tận hưởng cuộc sống cho riêng mình chứ ít khi nghĩ đến tiết kiệm. Thậm chí có khi dành nửa nguồn thu nhập để đi du lịch. Bởi quan điểm chỉ sống một lần đang ngày càng lấn át trong tư tưởng những người trẻ như tôi”.

Chị Thu chia sẻ, bố mẹ, bạn bè thân thiết nhiều lần góp ý cách tiêu tiền của chị Thu. Tuy nhiên chị này cảm thấy đây không phải là vấn đề quá to tát. “Tôi còn trẻ, tương lai còn dài, còn kiếm được tiền thì cứ tận hưởng, bản thân thấy thích và không vượt quá kiểm soát là được”, chị Thu bày tỏ.

Nguồn Báo lao động

Bạn cũng có thể quan tâm

Để lại bình luận